Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận ra khỏi danh sách huyện nghèo. Đây là một trong những kết quả nổi bật nhất của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện khi đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đã đề ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện vùng caoTân Sơn đang đổi thay từng ngày, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Đây chính là tiền đề tạo nên tâm thế mới để huyện Tân Sơn đoàn kết, vững tin trên con đường xây dựng ngày một phát triển.
Nhiệm kỳ qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào các dân tộc trong huyện, việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 22 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra, có tới 16 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế có sự tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân đạt cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất lương thực liên tiếp được mùa, an ninh lương thực được đảm bảo. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vượt mục tiêu đề ra. Kết cấu hạ tầng cơ sở phát triển, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng. Với quyết tâm chính trị cao, xác định rõ mục tiêu, BCH Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo một cách kiên quyết và sáng tạo nhằm phát huy được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, lựa chọn đúng nội dung đột phá, xây dựng các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm.

Một trong những khâu đột phá mà Tân Sơn tập trung thực hiện đó là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển. Trong nhiệm kỳ, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của huyện đạt hơn 3.900 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó, tổng vốn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đi trước một bước, với 46 km Quốc lộ 32 được nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới và nâng cấp gần 163 km tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông nông thôn, 14 cây cầu dân sinh được xây dựng mới, góp phần khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ, mang lại niềm vui sướng cho người dân. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đến hết năm 2020 đạt 70,5%, trong đó đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%, đường trục thôn, xóm cứng hóa đạt 68%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 24,4%.

Song song với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện đã đầu tư cải tạo nâng cấp 18 hồ, đập bị xuống cấp, tập trung kiên cố hóa kênh mương đảm bảo chủ động tưới tiêu cho hơn 90% diện tích đất lúa, rau màu. Các chợ nông thôn, siêu thị mới khang trang, tiện ích cũng được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Một số hạng mục thiết yếu như đường giao thông, cấp thoát nước, cấp điện cho Cụm công nghiệp Tân Phú quy mô 45ha cũng đã được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu sản suất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đến nay, đã có 3 nhà máy đi vào sản xuất, thu hút trên 700 lao động, giá trị sản xuất đạt trên 100 tỷ đồng. Nhờ đó, người dân vùng cao yên tâm hơn trong sản xuất, kinh doanh; lao động địa phương có thêm việc làm, ổn định thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư xây dựng đã tạo những tiền đề quan trọng để lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp trọng điểm giai đoạn 2017-2020 để phát triển các sản phẩm chủ lực như: Phát triển chè, rừng sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, gà nhiều cựa. So với đầu nhiệm kỳ, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt hơn 100 triệu đồng, tăng hơn 37%. Bình quân lương thực đầu người tăng 15,3%, đạt trên 350 kg, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn. Từ việc triển khai thực hiện khâu đột phá về phát triển đàn ra súc chất lượng cao, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò tập trung. Hơn 20 tỷ đồng đã được huyện hỗ trợ tới các hộ dân phát triển trên 1.200 con trâu, bò giống sinh sản, đưa tổng đàn trâu, đàn bò của huyện tăng nhanh. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2015. Chăn nuôi gia súc đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân trên địa bàn huyện. Về xây dựng nông thôn mới, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong 5 năm qua huyện Tân Sơn đã huy động gần 1.500 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân hiến trên 23 nghìn m2 đất, đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng hạ tầng. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt12 tiêu chí/xã, tăng 3 tiêu chí so với đầu nhiệm kỳ; xã Minh Đài đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, 03 xã cơ bản đạt chuẩn và 20 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả có ý nghĩa tạo động lực cho huyện Tân Sơn tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để xây dựng diện mạo nông thôn vùng cao ngày càng thay da đổi thịt.

Từ một huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, nay Tân Sơn đã thay da đổi thịt. Cách làm của Tân Sơn trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là: Triển khai đồng bộ các giải pháp, phát huy và vận dụng tốt nguồn vốn tín dụng chính sách tới người dân; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Trên toàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả như nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi gà nhiều cựa, trồng chè, trồng rừng, chế biến lâm sản. Những nỗ lực không ngừng đã mang lại trái ngọt cho huyện Tấn Sơn khi mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt hơn 4%/năm trên năm.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên vùng núi cao, nhiều chia cắt, nhưng Tân Sơn lại có Vườn quốc gia Xuân Sơn rộng lớn, với phong cảnh kì thú; có khu vực đồi chè Long Cốc điệp trùng, là những tiềm năng rất lớn để Tân Sơn khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, những năm qua, công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu vực đồi chè Long Cốc đã được đẩy mạnh. Hoạt động du lịch cộng đồng được khuyến khích phát triển ngày càng bài bản và thân thiện. Đến nay đã có 8 homestay đi vào hoạt động, hàng năm thu hút trên 1 vạn lượt khách đến tham quan, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Sau hơn 13 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Sơn đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp. Nhiệm kỳ mới 2020-2025, Huyện ủy Tân Sơn tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, phát huy sức mạnh, hiệu quả, hiệu lực của cả hệ thống chính trị, tập trung thực hiện ba khâu đột phá về: Xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 4.000 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt 80,5 tỷ đồng; Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất canh tác và nuôi thủy sản đến năm 2025 đạt 120 triệu đồng; Trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn bình quân 720ha/năm trở lên; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 đạt 58,8%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 60%; Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 93%; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 03 xã (duy trì 01 xã, tăng thêm 02 xã), trong đó xã Minh Đài đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Số khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới 15 khu, trong đó có ít nhất 02 khu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 98%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt các khu dân cư tập trung đến năm 2025 trên 70%.
Với những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, giàu bản sắc văn hóa, cùng sự đoàn kết đồng lòng là những tiền để vững bước trên con đường phía trước. Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục phấn đấu phát huy hiệu quả sức mạnh của hệ thống chính trị, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội; củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng huyện miền núi Tân Sơn ngày thêm phát triển.
Công Sơn.